Ticker

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

Chính Sách Mới Về Lương Hưu, BHXH 1 Lần

Chính Sách Mới Về Lương Hưu, BHXH 1 Lần

Từ năm 2022, chính sách về lương hưu và bảo hiểm xã hội một lần sẽ có nhiều đổi mới. Vậy việc rút bảo hiểm xã hội một lần có dễ dàng hay không? Bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể về chính sách mới liên quan đến lương hưu và BHXH một lần.

1. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Chính Sách Mới Về Lương Hưu, BHXH 1 Lần


Ngày 7-12-2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Theo đó, kể từ ngày 1-1-2022:

- Điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12-2021 cho các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

- Điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

+ Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống;

+ Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Nghị định số 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20-1-2022.

Thay đổi số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của lao động nam

Luật BHXH 2014 quy định, từ 2022, số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của lao động nam có sự điều chỉnh, muốn hưởng mức tối thiểu 45% phải đóng đủ 20 năm BHXH trở lên, thay vì 19 năm như hiện nay. Nếu muốn hưởng tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đóng đủ BHXH từ 35 năm, tăng thêm 1 năm so với năm 2021 ((năm 2021 chỉ cần đóng từ đủ 34 năm trở lên).

Như vậy, với cùng mức đóng BHXH là 20 năm thì lao động nam nghỉ hưu năm 2021 được tính tỷ lệ hưởng lương hưu là 47%, trong khi nghỉ hưu năm 2022 lao động nam chỉ được tính hưởng 45%.

Quy định này không áp dụng với lao động nữ. Người đóng đủ 15 năm BHXH hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% và tối đa 75% với lao động nữ đóng đủ 30 năm. Mức hưởng tăng thêm 2% cho một năm đóng, ngược lại nghỉ hưu sớm trước tuổi bị trừ 2% mức hưởng, áp dụng với cả lao động nam lẫn nữ.

2. Đóng BHXH 10 năm cũng được nhận lương hưu

Theo chủ trương mới của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 28, điều kiện để nhận lương hưu sẽ được nới lỏng hơn rất nhiều.

Chính Sách Mới Về Lương Hưu, BHXH 1 Lần


Cụ thể, nếu như hiện nay, hầu hết người lao động phải đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì mới được hưởng lương hưu.

Thế nhưng, tại Nghị quyết 28, Bộ Chính trị khẳng định:

Sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Nội dung này cũng đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu trong dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. 

Cũng tại dự thảo, Bộ nhấn mạnh nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp, nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già, hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.  
Như vậy, nếu như nội dung trên chính thức được đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và được thông qua, người lao động chỉ cần đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội từ 10 hay 15 năm là đã có thể hưởng lương hưu.

Điều này sẽ hạn chế được tình trạng “đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH”

Cũng liên quan đến chế độ hưu trí, dự thảo Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn điều chỉnh một số nội dung như sau:

1 - Sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí.

Tức là, nếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu được rút xuống 15 năm hoặc là 10 năm, công thức tính lương hưu cũng sẽ phải thay đổi.

Công thức tính lương hưu hiện nay đang là: Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

2. Bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đến nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.

Hiện nay, mức lương hưu tối thiểu đang được quy định là bằng với mức lương cơ sở, tức là chỉ có 1,49 triệu đồng một tháng.
 Trong khi đó, người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay đang nhận đến 101 triệu đồng/tháng.

3. Về già mới được nhận BHXH 1 lần

Số lượng người đăng ký nhận BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thế nhưng, trong thời gian tới, dự kiến cũng sẽ có thay đổi lớn liên quan đến quyền lợi nhận BHXH một lần của người lao động.

Chính Sách Mới Về Lương Hưu, BHXH 1 Lần


Tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm, Ban Chấp hành Trung ương cũng chủ trương:

Sẽ có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Như vậy, có thể hiểu, về mặt chủ trương, Nhà nước muốn khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, thay vì rút tiền BHXH một lần. 
Từ chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 28, tại dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và xã hội nhận định:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014, và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. 

Chốt lại, Bộ này đề xuất, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động, mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn. 

Như vậy, theo Bộ này, chỉ khi người lao động hết tuổi lao động, tức là về già rồi, không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mới được nhận BHXH một lần.

Hoặc nếu muốn rút luôn khi chưa hết tuổi lao động thì sẽ được nhận mức thấp hơn so với thông thường. 

Đề xuất trên cho thấy, điều kiện để nhận BHXH một lần trong thời gian tới dự kiến là sẽ khắt khe hơn hiện nay rất nhiều. Người lao động sẽ không còn được nhận ngay sau 01 năm nghỉ việc như hiện nay, mà phải đợi về già mới được nhận.

Ngoài ra, thêm một điều chỉnh về BHXH một lần được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, chính là:

Bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng BHXH một lần, theo hướng nếu thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi.